Bào chữa cho một bị cáo đưa hối lộ trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, luật sư nêu quan điểm: Các đại diện doanh nghiệp phải đưa tiền chỉ được để làm đúng pháp luật.
Trong phần bào chữa và tự bào chữa, các bị cáo cũng như các luật sư đã kể về quá trình gian khổ khi xin cấp phép chuyến bay, đặc biệt là sự nhũng nhiễu của những người có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép. Hai ngày trước chuyến bay khởi hành, máy bay đã thuê, hàng trăm hành khách đang chờ ở sân bay, nhưng giấy phép vẫn chưa về.
“Chi tiền lúc này là đương nhiên. Và các chuyến bay sau, các doanh nghiệp phải đưa tiền như một thông lệ”, luật sư nhận định.
Bởi các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện về máy bay, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế… để được bay, chỉ còn thiếu “tờ A4 đóng dấu đỏ”. Tờ A4 đóng dấu đỏ ấy được “ban phát” theo cơ chế xin cho, thay vì theo một quy trình, thủ tục hành chính cạnh tranh, công khai, minh bạch. Nó dẫn đến những sự nhũng nhiễu theo kiểu “thứ trưởng ký rồi, anh chuyển tiền mới có dấu” từ một bị cáo nguyên là thư ký thứ trưởng Bộ Y tế.
Hối lộ chỉ để được… làm đúng luật.
Khi trao đổi với những anh em bạn bè đồng nghiệp, chúng tôi gói gọn câu chuyện đó trong một nhận định: “Nói đúng mà đau”.
Chừng nào vẫn còn duy trì các công cụ quy hoạch số lượng hàng hóa, sản phẩm (các “quota”), giấy phép con, các chứng chỉ hoạt động… thì chừng đó xã hội sẽ vẫn còn duy trì cơ chế xin – cho, phân bổ, ban phát nặng nề bao cấp, thay vì một cơ chế phân bổ cạnh tranh theo quy luật thị trường. Và chừng đó còn là “mỏ vàng” cho những cán bộ, công chức biến chất tha hồ sách nhiễu; cho cơ chế “chi tiền để được giải quyết đúng pháp luật”, cho những công chức “hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tài sản chỉ có vài chục tỷ đồng để nộp khắc phục hậu quả…”.
Cách đây ít ngày, tôi được mời tham dự hội thảo về thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản. Tại hội thảo, giáo sư Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã bàn luận về vấn đề: Môi trường đầu tư nước ta được cho là hấp dẫn với cơ sở hạ tầng tốt, nhân công giá rẻ dồi dào… nhưng tại sao Mỹ và EU chưa đầu tư nhiều, tại sao FDI vào Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các nước châu Á? Giáo sư nêu 2 nguyên nhân chủ yếu: Do hệ thống pháp luật kém ổn định, luôn thay đổi; và môi trường đầu tư nhiều “tham nhũng vặt”.
“Doanh nghiệp Mỹ sẽ không bao giờ đầu tư vào một quốc gia có tham nhũng”, giáo sư kết luận.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ đã giao Bộ KHĐT lập Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân. Đề án này đã thẳng thắn chỉ ra “tư duy “nghiện quản lý” ở các cơ quan quản lý nhà nước”: “Các cơ quan này thường viện dẫn mục tiêu của việc ban hành các quy định là để “tăng cường quản lý nhà nước”, “đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước” của mình. Đây là một sự nhầm lẫn giữa mục đích và công cụ. Mục đích lẽ ra phải là những lợi ích của cả xã hội và doanh nghiệp… Quản lý nhà nước chỉ là một trong những công cụ và không nhất thiết là công cụ hữu hiệu nhất cho xã hội với chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp.”
“Cơ quan quản lý nhà nước không nên chọn phần dễ về phía mình, để tiện quản lý, đẩy phần khó về phía doanh nghiệp, trong khi chưa chắc lợi ích xã hội đã được đảm bảo hiệu quả” – tinh thần của Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân cần soi rọi trong hoạt động của bộ máy nhà nước, bắt đầu từ việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để phá vỡ những rào cản ngăn trở hoạt động đầu tư, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp; bãi bỏ các loại “quy hoạch ngành”, “quota”, “giấy phép con”… là mầm mống của cơ chế “xin – cho”, tiêu cực.
Nếu các cơ quan quản lý không đặt ra quy định về cấp phép “chuyến bay giải cứu” (các quy trình rất kém minh bạch, thiếu tiêu chí đánh giá làm cơ sở xét duyệt/không xét duyệt) thì có lẽ những sự việc đau lòng đã không xảy ra. Thay vào đó, lẽ ra có thể áp dụng quy trình chào giá cạnh tranh, công khai, minh bạch.
Tại Đại hội XIII vào đầu năm 2021, Đảng đã chỉ rõ nhiệm vụ hoàn thiện thể chế để “thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hoá, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông…”. Chúng ta cùng chờ mong văn kiện của Đảng sớm cụ thể hóa đầy đủ thành pháp luật và đi vào thực tiễn cuộc sống để tránh lặp lại những vụ việc đau lòng như bài học về những “chuyến bay giải cứu”.
Link bài viết: https://dantri.com.vn/tam-diem/nghi-tu-phien-toa-chuyen-bay-giai-cuu-benh-nghien-quan-ly-20230723221933551.htm
ThS Nguyễn Văn Đỉnh