Theo quy định pháp luật hiện hành, đối với dự án sử dụng vốn khác (vốn tư nhân), cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A; dự án nhóm B có công trình cấp đặc biệt, cấp I; dự án trên địa bàn 02 tỉnh trở lên.
Bài trên VietnamFinance: Bộ chậm phê duyệt DN chịu tốn kém: Bỏ tư duy giữ để quản, mạnh dạn phân cấp
Bài trên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập: Dự án bị ‘kẹt’ ở trung ương: Giải pháp nào tháo gỡ?
Bài trên Diễn đàn doanh nghiệp: Dự án nhà ở ách tắc vì thủ tục
Với quy định này, số lượng báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án được chuyển lên Cục Hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm định rất lớn, gây ách tắc thủ tục pháp lý.
Từ hơn 10 năm trước, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng (quy định chi tiết Luật Xây dựng năm 2003) là cột mốc làm phát sinh thủ tục thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Đến Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thủ tục này đổi thành thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế 3 bước)/thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế 2 bước). Như vậy, các dự án đều phải thẩm định 2 bước thiết kế tại cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng (Cục Hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng nơi có công trình).
Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã cải cách thủ tục hành chính theo hướng với dự án sử dụng vốn khác (không sử dụng vốn nhà nước) thì cơ quan quản lý nhà nước chỉ thẩm định 01 bước là thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi có thiết kế cơ sở.
Điều đáng lưu ý là trước đây Nghị định số 42/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 59/2015/NĐ-CP cho phép áp dụng cơ chế ủy quyền, theo đó Cục Hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng được ủy quyền cho Sở Xây dựng thẩm định các bước thiết kế. Tuy nhiên đến Nghị định số 15/2021/NĐ-CP thì không còn cho phép áp dụng cơ chế ủy quyền. Điều đó dẫn đến thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi được đẩy lên Cục Hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng với mọi dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A; dự án có công trình cấp đặc biệt, cấp I; dự án trên địa bàn 02 tỉnh trở lên (theo Điều 13 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP).
Mặc dù Nghị định số 35/2023/NĐ-CP đã sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP trong đó giảm bớt thẩm quyền thẩm định của Cục Hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng, tuy nhiên sự sửa đổi là không đáng kể, Bộ Xây dựng chỉ phân cấp các dự án nhóm C trở xuống có công trình cấp đặc biệt, cấp I cho các Sở Xây dựng. Trên thực tế, các dự án nhóm C có công trình cấp đặc biệt, cấp I là không nhiều.
Quá trình tư vấn thủ tục đầu tư cho một số doanh nghiệp, tôi nhận được khá nhiều lời than phiền về việc với một dự án nhóm A thì mọi công trình đều phải đẩy lên cơ quan trung ương thẩm định, bao gồm các công trình có quy mô rất nhỏ, ví dụ một căn nhà 2 tầng, quy mô cấp III thuộc dự án nhóm A cũng thuộc thẩm quyền thẩm định của Cục Hoạt động xây dựng. Điều này là bất hợp lý.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này thuộc về các quy định của pháp luật xây dựng thời gian qua, gồm Luật Xây dựng và các Nghị định quy định chi tiết. Việc cơ quan chủ trì soạn thảo Luật cũng chính là cơ quan thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt ở khía cạnh nào đó có thể dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đây cũng là vấn đề phổ biến có thể gặp ở nhiều lĩnh vực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không chỉ riêng lĩnh vực xây dựng.
Nếu tiếp tục duy trì những quy định đầy bất cập này sẽ làm kéo dài thủ tục đầu tư, nhiều trường hợp sẽ làm mất đi cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật và gián tiếp khiến giá thành bất động sản tăng (đối với các dự án bất động sản).
Ngoài ra, trong bối cảnh các dự án “dồn” về trung ương thẩm định quá nhiều, thủ tục hành chính này sẽ tiềm ẩn cơ chế “xin – cho”, có nguy cơ nảy sinh tiêu cực, làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư (đặc biệt với trường hợp các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam).
Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Trong đó, thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan nhà nước được quy định tại Điều 16. Dự thảo quy định đối với dự án sử dụng vốn khác (không sử dụng vốn nhà nước), cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình chuyên ngành thẩm định dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A có công trình cấp I trở lên; dự án trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên. Các công trình còn lại do địa phương thẩm định.
Như vậy thẩm quyền thẩm định đã được đề xuất phân cấp nhiều hơn cho địa phương so với pháp luật hiện hành. Cụ thể, dự án nhóm A nhưng chỉ có công trình cấp II trở xuống, hoặc dự án có công trình cấp I, cấp đặc biệt nhưng quy mô nhóm B, nhóm C sẽ được phân cấp về cho các Sở tại địa phương thẩm định.
Mặc dù vậy, phương án này vẫn chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc phân cấp, phân quyền. Theo tôi, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ chỉ nên thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi với dự án nhóm A có công trình cấp đặc biệt. Bởi các công trình cấp I, chẳng hạn tòa chung cư 30 tầng, hiện đã trở nên rất phổ biến tại các địa phương, có thể phân cấp cho cấp Sở thẩm định.
Với các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, không phải trường hợp nào cũng cần cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ thẩm định. Chẳng hạn với dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thuộc thẩm quyền Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng các công trình trong dự án rất đơn giản, không quá phức tạp về kỹ thuật (chỉ gồm một số tuyến đường giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật), cần phân cấp triệt để cho địa phương tự thẩm định. Do đó với các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, tôi kiến nghị cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ chỉ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi nếu dự án có công trình cấp đặc biệt; còn lại thuộc thẩm quyền của địa phương.
Từ đó, tôi kiến nghị sửa điểm a khoản 4 Điều 16 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP như sau: “a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư có công trình cấp đặc biệt; dự án nhóm A có công trình cấp đặc biệt; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên”./.
Nguyễn Văn Đỉnh