Nếu vấn đề hiện nay là thủ tục thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư quá dài, kéo dài cả năm, thì để giải quyết nó, phải làm sao để toàn bộ quá trình 3 bước Trình – Thẩm định – Chấp thuận chủ trương đầu tư chỉ gói gọn trong 2 tuần, chứ không phải bỏ nó đi.

Tối 09/5, tôi tổ chức talk về Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới xây dựng và thi hành pháp luật. Nghị quyết 66 hướng đến đột phá thể chế, pháp luật để đất nước tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình; như vậy sẽ có tác động tích cực đến khung pháp lý cho các dự án bất động sản.

Một ý kiến đề xuất của ông Nguyễn Đình Cung là bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (link bài viết: https://vietnamnet.vn/ts-nguyen-dinh-cung-can-bo-quy-dinh-chap-thuan-chu-truong-dau-tu-2399592.html). Là một người làm thực tiễn, tôi rất mong chờ các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư… được giảm thiểu cho đến bãi bỏ nhưng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thì không thể bỏ. Nếu hiểu về bản chất, ý nghĩa của quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thì sẽ thấy cần phải duy trì nó. Vì dự án đầu tư được chấp thuận (hiểu nôm na là được cơ quan nhà nước cho phép làm) căn cứ vào sự đánh giá nó có phù hợp với hệ thống các quy hoạch hay không, mà để đánh giá sự phù hợp này thì cần có 1 bước đánh giá, tổng rà soát cuối cùng – chính là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Bỏ nó đi thì ai, cơ quan nào sẽ đánh giá sự phù hợp? Các quy hoạch giống như là những bộ phận đầu, chân, đuôi, tai… của con voi, ai ráp nó lại để có con voi hoàn chỉnh?

Hôm trước tôi cũng đọc một bài báo có trích kiến nghị của một Hiệp hội doanh nghiệp địa phương đề nghị bỏ thủ tục này, nay lại đọc ông Cung. Đề xuất bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư chỉ có tác dụng sướng tai người nghe, chứ không có ý nghĩa trong thực tiễn – tưởng rằng cắt giảm một điểm nghẽn nhưng sẽ làm phình thêm những điểm nghẽn mới.

Mặt khác, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư là cơ sở để xác lập dự án đầu tư, qua đó xác lập rõ ràng các thông tin: quy mô dự án, mục tiêu dự án, thời hạn thực hiện dự án, tiến độ thực hiện, quyền – nghĩa vụ của các bên với nhau (của nhà nước, nhà đầu tư…), xác định các ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư sẽ được hưởng… Những nội dung ấy, nếu không có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thì làm sao mà xác định? Nếu không xác định rõ ràng ngay từ đầu, quá trình thực hiện phát sinh bất cập, tranh cãi thì ai sẽ đứng ra giải quyết, hay lúc đó lại phanh dự án lại để phát công văn đi hỏi khắp nơi như những gì đã thấy suốt mấy năm qua? (Ví dụ, nếu không làm chấp thuận chủ trương đầu tư mà giao nhà đầu tư thực hiện, đến bước giao đất thì rà soát thấy 9/10 loại quy hoạch đã phù hợp nhưng còn 01 quy hoạch không phù hợp, lại phải phanh dự án lại để sửa quy hoạch và mất 2 năm?)

Như vậy, thủ tục quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư là cần thiết. Vấn đề còn lại chỉ là: (1) Sửa Luật Đầu tư để phân cấp triệt để thẩm quyền cho cấp địa phương (cái này dự thảo sửa Luật Đầu tư đang trình Quốc hội cũng đi theo hướng phân cấp này, rất đáng hoan nghênh); (2) Thủ tục thẩm định, đánh giá, chấp thuận chủ trương đầu tư phải nhanh, gọn hơn, tối giản nhất có thể, tránh cồng kềnh như hiện nay.

Nguyên tắc của xây dựng chính sách, ban hành pháp luật là phải xác định chính xác vấn đề mà chính sách ấy cần giải quyết. Ở đây, vấn đề là thủ tục thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư quá dài, kéo dài cả năm, thì để giải quyết nó, phải làm sao để toàn bộ quá trình 3 bước Trình – Thẩm định – Chấp thuận chủ trương đầu tư chỉ gói gọn trong 2 tuần, chứ không phải bỏ nó đi.

Để dễ hình dung, việc bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như bỏ thủ tục đăng ký kết hôn, nam – nữ (hoặc nam – nam, nữ – nữ etc) cứ về ở với nhau thôi, tự xác lập quan hệ và tự chịu trách nhiệm.

—————–

Phân tích chi tiết ý kiến TS Nguyễn Đình Cung:

Ý kiến 1: “Như vậy, Nhà nước đang quản lý cả mục tiêu, địa điểm, quy mô và nhà đầu tư của từng dự án cụ thể. Cách quản lý này đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của tự do kinh doanh và cơ chế thị trường, theo đó: “sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất ở đâu và như thế nào là do thị trường, tức là do nhà đầu tư quyết định”.”

Phản biện: Ý kiến này không chính xác, chừng nào chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu còn tồn tại. Nguồn lực đất đai là hữu hạn, khan hiếm nên cần kiểm soát hoạt động đầu tư (thông qua hoạt động quy hoạch, thu hồi đất, giao đất/cho thuê đất). Ít nhất đề xuất này không hợp lý nếu đó là dự án đầu tư có yêu cầu Nhà nước thu hồi đất để giao đất/cho thuê đất cho nhà đầu tư. Nó có thể xem xét nếu nhà đầu tư tìm kiếm nguồn lực đất đai qua thị trường (tự đi “mua gom”), nhưng nếu doanh nghiệp cần Nhà nước thu hồi đất để giao đất/cho thuê đất thì dự án đầu tư đó cần phải được xem xét để đảm bảo nó tuân thủ các công cụ quy hoạch và thực sự cần thiết, hiệu quả, khả thi.

Ý kiến 2: “Chẳng hạn, ngay trong hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, có yêu cầu doanh nghiệp phải nộp tài liệu chứng minh năng lực tài chính, trong đó có thể bao gồm “báo cáo tài chính hai năm gần nhất”. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư phải tồn tại ít nhất hai năm.

Như vậy, các doanh nghiệp tư nhân mới thành lập trong vòng hai năm đương nhiên không đủ điều kiện đầu tư, thậm chí không đủ điều kiện lập hồ sơ, chứ chưa nói đến việc được chấp thuận.”

Phản biện: Ý kiến này không chính xác, pháp luật đầu tư (cũng như pháp luật liên quan, gồm Luật Đấu thầu và các văn bản dưới luật) đã quy định sử dụng tài liệu nào thay thế nếu DN mới thành lập, chưa có báo cáo tài chính (ví dụ có thể sử dụng báo cáo kiểm toán vốn chủ sở hữu…)

Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh