Khi còn học văn bằng 2 ĐH Luật Hà Nội, ở môn “Hình sự 2”, tôi từng trao đổi, tranh luận với thầy giáo đứng lớp – thầy Hoàng Văn Hùng (một GV dạy Luật Hình sự giàu kinh nghiệm mà tôi rất thích học). Câu hỏi của tôi: “Tại sao nhà làm luật lại thiết kế nhóm tội đưa/nhận hối lộ trong Bộ luật hình sự thành 3 tội: Tội “đưa hối lộ” (Điều 364), tội “môi giới hối lộ” (Điều 365), tội “nhận hối lộ” (Điều 354). Theo em, việc quy định tội “môi giới hối lộ” là thừa, vì nếu không có tội “môi giới hối lộ” thì người nào có hành vi môi giới hối lộ hoàn toàn có thể bị xử lý với vai trò đồng phạm của tội “đưa hối lộ” hoặc tội “nhận hối lộ”.”

Thầy giáo đã trả lời tôi rằng: “Nhà làm luật quy định 3 tội phạm khác nhau: Tội “đưa hối lộ”, tội “môi giới hối lộ”, tội “nhận hối lộ” vì đó là các hành vi có mức độ nguy hiểm khác nhau, cần được phân hóa trách nhiệm hình sự”.

Nhiều năm đã qua, tôi có dịp kiểm chứng lại quan điểm của mình năm xưa qua các tình tiết vụ án “chuyến bay giải cứu” và giúp tôi củng cố thêm nhận định của mình.

Đọc bài “ÔNG TUẤN PHẠM 1 TỘI HAY 2 TỘI?”:
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=231858303090657&id=100087994669585&mibextid=2JQ9oc

Như tôi đã nêu trong bài “ÔNG TUẤN PHẠM 1 TỘI HAY 2 TỘI?”, ông Tuấn bị truy tố tội “môi giới hối lộ” và bị đề nghị mức án từ 5 – 6 năm tù. Tôi cho rằng với tình tiết trong đợt đưa hối lộ ngày 12/10/2022, ông Tuấn đã đưa 350.000 đô mà trong đó có 100.000 đô của ông Tuấn. Như vậy ông Tuấn đã “cho” Hằng hoặc “cho vay” 100.000 đô để đưa và biết rõ đó là tiền đưa hối lộ. Vậy vai trò của ông Tuấn trong vụ án không dừng lại ở hành vi “môi giới hối lộ” mà còn cấu thành tội “đưa hối lộ” với vai trò đồng phạm – người giúp sức, tạo điều kiện vật chất cho việc thực hiện tội phạm “đưa hối lộ”.

Ngay cả việc (giả định) ông Tuấn đem tiền đưa cho Hưng thì đã hoàn toàn đủ yếu tố cấu thành tội “đưa hối lộ” trong vai trò đồng phạm – “người thực hành” tội phạm.

Như vậy việc thiết kế điều luật trong Bộ luật hình sự hiện hành tiềm ẩn rất nhiều bất cập mà đa số các trường hợp, một người bị buộc tội “môi giới hối lộ” hoàn toàn có thể bị truy thêm tội “đưa hối lộ” hoặc “nhận hối lộ” với vai trò đồng phạm.

Nguyên nhân của việc này theo tôi là bởi tính chất đặc biệt của hành vi môi giới hối lộ. A là người có quyền (là “quan”), C (là “dân”) muốn hối lộ A để đạt được một việc nào đó nhưng bản thân C không có mối quan hệ hoặc không đủ thân với A. Tuy nhiên C có quan hệ thân thiết với B và biết B cũng có quan hệ thân thiết với A. Vì thế mà C nhờ B đứng ra làm trung gian tiếp cận A, đề thỏa thuận nhằm thực hiện hành vi đưa hối lộ. Với đặc điểm đó, rất ít có trường hợp vai trò của B chỉ là cầu nối để C và A tự thương thảo, thực hiện hành vi đưa/nhận hối lộ mà thường B sẽ tham gia trực tiếp vào việc đưa – nhận tiền (vì B là người được A và C tin tưởng, trong khi A và C không đủ sự tin tưởng với nhau).

Như trong trường hợp A/B/C là Hưng/Tuấn/Hằng thì vai trò của B không chỉ là cầu nối mà còn là người nhận tiền từ C và giao tiền cho A. Như vậy, nếu trong Bộ luật hình sự không có tội “môi giới hối lộ” thì hoàn toàn có thể xử lý B theo tội “đưa hối lộ” (trong vai trò đồng phạm với C), hoặc theo tội “nhận hối lộ” (trong vai trò đồng phạm với A). Việc quy định thêm tội “môi giới hối lộ” dẫn đến việc nếu HĐXX xem xét, xử lý triệt để thì B hoàn toàn có thể bị xử lý theo 2 tội mà nếu cộng hình phạt thì B có thể còn phải chịu hình phạt nặng hơn A, C.

Từ đó, tôi cho rằng nên bỏ tội “môi giới hối lộ” trong Bộ luật hình sự.
#DinhLaws