“Tín lực” của chứng cứ lời khai luôn thấp. Lời khai là chứng cứ yếu nhất, vì lời khai phát ra từ miệng con người, xuất phát từ ý chí con người, nói gì chả được. Nên trong mỗi vụ án mới cần thu thập những “chứng cứ vật chất” – chứng cứ không biết nói dối. Lời khai chỉ là căn cứ để dẫn dắt quá trình tìm kiếm các chứng cứ xác tín khác – là “chứng cứ vật chất”.
Chứng cứ lời khai càng yếu khi đó là lời khai của duy nhất 1 người (nên trong di chúc hay các hợp đồng trước đây, khi chưa có công chứng viên, người ta phải cần ít nhất 2 nhân chứng; thậm chí các bên phải cố gắng tìm 1 nhân vật có uy tín, có tư cách đạo đức được cộng đồng thừa nhận để làm chứng cho giao dịch).
Hơn nữa, “nhân chứng” duy nhất trong vụ này – ông Tuấn – lại có “xung đột lợi ích” với Hưng: Nếu Hưng không nhận tiền thì có nghĩa là ông Tuấn đã nhận toàn bộ 2,6 triệu đô như đã khai, khiến tội của ông càng nặng thêm, thiệt hại phải khắc phục càng tăng thêm và không phải tội “môi giới hối lộ” mà chuyển sang “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Nói nôm na: Nếu không kết tội được cho Hưng thì tội của ông Tuấn sẽ nặng, ngược lại nếu chứng minh được Hưng phạm tội thì trách nhiệm pháp lý của ông Tuấn sẽ được giảm nhẹ.
Chứng cứ duy nhất tồn tại dưới “nguồn chứng cứ” là lời khai, mà đó là lời khai duy nhất chống lại Hưng đến từ 1 người có “xung đột lợi ích” với Hưng thì cần phải cân nhắc thật kỹ khi định tội. Chẳng hạn: A kiện B để đòi tiền, A nói rằng B đã vay mình 450.000 đô và A đã cho vào vali đưa cho B. B một mực phủ nhận và không có nhân chứng khác. OK, trong vụ án (dân sự) này có chứng cứ duy nhất là lời khai của A. Tòa có chấp nhận yêu cầu của A không?
Ở đây không bàn đến lời khai, chứng cứ của Sơn, Hằng hay các nhân viên công ty Hằng tham gia quá trình huy động, chuẩn bị tiền. Vì tất cả những lời khai, chứng cứ đó chỉ (cùng lắm) chứng minh được việc tiền đã được chuyển cho Tuấn, không chứng minh được tiền đó sau đó đã được Tuấn chuyển cho Hưng.
P/S: Ở đây tôi xin không bàn đến việc Hưng trên thực tế có nhận tiền hay không, có phạm tội hay không. Với vốn sống nhất định ở đời, tôi cũng có những đúc rút nhất định và có “niềm tin nội tâm” rằng Hưng nhiều khả năng đã nhận tiền. Nhưng quan điểm của tôi: sự kết tội phải là sản phẩm của một quá trình tố tụng theo đúng trình tự, thủ tục luật định; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự: Nguyên tắc “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”; Nguyên tắc “Suy đoán vô tội” (Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội).
“Bỏ lọt tội phạm” và “kết án oan cho người vô tội” đều nguy hiểm nhưng để đánh giá việc nào nguy hiểm hơn, tôi cho rằng đó là “kết án oan cho người vô tội”. Tôi không nói cho vụ việc cụ thể việc này mà tôi nói đến các vụ việc sẽ xảy ra trong tương lai. Bởi như đã nêu trong 1 bài post trước, tôi kỳ vọng vụ việc này sẽ làm thay đổi nền tư pháp Việt Nam theo hướng tích cực hơn.
Tham khảo một bài viết của LS đàn anh về “Tín lực” của chứng cứ: https://luatsuhongocdiep.vn/nghien-cuu/tin-luc-cua-chung-cu-ky-2.html
#DinhLaws