Việc sửa đổi Luật Đấu thầu diễn ra trong bối cảnh xét xử hàng loạt “đại án” tham nhũng liên quan đến đấu thầu cung cấp thiết bị y tế, giáo dục; khiến dư luận phải đặt dấu hỏi: các cuộc đấu thầu mang tính chất là mua sắm công liệu đã đáp ứng được yêu cầu bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch hay chưa?
Bài viết bình luận Luật Đấu năm 2023 (thông qua ngày 23/6/2023, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024)
Xem bài viết: Để đấu thầu thực sự là cạnh tranh, minh bạch (nhadautu.vn)
Luật Đấu thầu năm 2013 quy định đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hóa, xây lắp… với 4 tiêu chí: cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế (dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi bổ sung thêm cụm từ “liêm chính” như trước khi Quốc hội ban hành đã bỏ cụm từ này mà thay bằng “trách nhiệm giải trình” cho… nhẹ nhàng hơn).
Vậy tại sao các tiêu chí này trên thực tế chưa thực sự đạt được, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nhìn nhận tại báo cáo tổng kết thi hành Luật Đấu thầu năm 2013 (một thành phần hồ sơ dự án Luật Đấu thầu sửa đổi)?
“Cài cắm”, “hàng rào kỹ thuật”, “ngăn sông, cấm chợ”
Một cách tổng quan, hoạt động đấu thầu là hoạt động của người có thẩm quyền, được pháp luật giao quyền để thực hiện một chuỗi các hoạt động nhằm đi đến kết quả là lựa chọn được nhà thầu thực hiện gói thầu tư vấn, xây lắp, hoặc cung cấp, lắp đặt thiết bị… mà có sử dụng vốn nhà nước.
Có thể thấy rằng tâm lý con người nhìn chung đều thích làm việc với các đối tác “quen” và e ngại làm việc với “người lạ”. Chưa bàn đến khía cạnh lợi ích kinh tế hay tiêu cực thì tâm lý muốn “chọn thầu quen” trước tiên là để việc phối hợp thực hiện gói thầu sau này dễ dàng, giúp người có thẩm quyền hoàn thành tốt công việc được giao.
Như vậy, “chọn thầu quen” là tâm lý bình thường của con người mà chủ đầu tư, bên mời thầu, người có thẩm quyền trong hoạt động đấu thầu… cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, pháp luật đấu thầu đã đề ra những lằn ranh, giới hạn để kiểm soát, ngăn ngừa sai phạm. Cụ thể, Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu gồm: Thông thầu; Gian lận, Cản trở, Không bảo đảm công bằng, minh bạch…
Chẳng hạn, để bảo đảm công bằng, minh bạch, Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP không cho phép nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu hoặc đưa ra các tiêu chí nhằm hạn chế các nhà thầu lạ. Tuy nhiên Nghị định 63 cũng quy định nếu không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn công nghệ thì được phép nêu nhãn hiệu của một sản phẩm cụ thể để tham khảo nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” và phải quy định rõ nội hàm tương đương là như thế nào.
Tuy nhiên thực tế đa số hồ sơ mời thầu khi nêu nhãn hiệu của một sản phẩm cụ thể kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” thì không kèm theo giải thích, dẫn đến nhà thầu không xác định được sản phẩm của mình có tương đương không nên ngần ngại khi dự thầu. Và nếu nhà thầu nộp hồ sơ thì cũng rất dễ bị “đánh trượt” vì không có tiêu chí rõ ràng nên tổ chuyên gia chấm thầu cho rằng sản phẩm đó không tương đương.
Trên thực tế, tôi từng thấy hồ sơ mời thầu một gói thầu thi công công trình nhà xưởng kết cấu thép có nêu yêu cầu nhà thầu phải có xưởng gia công kết cấu thép tại địa điểm cách công trình tối đa 30km. Hoặc một số gói thầu thi công đường giao thông yêu cầu nhà thầu phải sở hữu trạm trộn bê tông nhựa, trong khi thực tế nhà thầu có thể thuê trạm trộn hoặc mua bê tông thương phẩm, không cần thiết phải sở hữu trạm trộn riêng… Các tiêu chí này đều là “hàng rào kỹ thuật” để sự hạn chế sự tham gia rộng rãi, tạo lợi thế nhà thầu “ruột”.
Quyết định vô hiệu – giải pháp mới cần hoàn thiện
Nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, tôi đánh giá cao Bộ KHĐT đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ rõ những hạn chế của công tác đấu thầu. Tờ trình dự thảo Luật đã mạnh dạn nêu đánh giá: Hành vi “thông thầu”, “gian lận”… vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi; năng lực, kinh nghiệm của một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu chưa đáp ứng yêu cầu…; cơ chế giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu chưa thực sự bảo đảm tính khách quan, dẫn đến xử lý kém hiệu quả các kiến nghị của nhà thầu…
Tôi cũng đánh giá cao quy định mới tại Điều 44 Luật Đấu thầu năm 2023 nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Cụ thể, các nội dung “cài cắm” trong hồ sơ mời thầu sẽ được coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá hồ sơ dự thầu nếu cố tình áp đặt các tiêu chí nhằm tạo lợi thế cho một số nhà thầu, gây cạnh tranh không bình đẳng.
Đây là nội dung mới của Luật Đấu thầu sửa đổi và có thể là giải pháp tốt để ngăn ngừa triệt để sai phạm trong đấu thầu. Tuy nhiên tôi cho rằng giải pháp này là chưa trọn vẹn, nếu không muốn nói rằng giải pháp này mang tính chất “bắt cóc bỏ đĩa”.
Điển hình là việc người có thẩm quyền ra quyết định vô hiệu lại chính là “người có thẩm quyền” trong cuộc đấu thầu, tức là cấp trên của bên mời thầu, thì liệu giải pháp này có khách quan hay không?
Chẳng hạn nếu một Sở được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư công và là bên mời thầu. Khi hồ sơ mời thầu có vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền tuyên vô hiệu lại chính là UBND tỉnh, liệu có tránh được tình trạng nể nang, lợi ích nhóm, tiêu cực?
Như vậy để giải pháp quyết định vô hiệu thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả, cần thiết phải ghi nhận thẩm quyền tuyên vô hiệu của các cơ quan độc lập, đứng bên ngoài cuộc đấu thầu. Ví dụ, Luật Đấu thầu cần cho phép Tòa án hoặc các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư… có quyền tuyên vô hiệu với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu nếu phát hiện sai phạm. Đồng thời, Luật lẽ ra cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quyết định vô hiệu (là cấp trên của bên mời thầu) nếu không kịp thời kiểm tra, giám sát để ra quyết định tuyên vô hiệu khi có sai phạm trong đấu thầu.
Trình tự, thủ tục tuyên vô hiệu cũng chưa được quy định rõ. Chẳng hạn nếu hồ sơ mời thầu đưa ra các tiêu chí đánh giá gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, tạo lợi thế rõ ràng cho một nhà thầu cụ thể thì có mặc nhiên là vô hiệu hay phải có quyết định tuyên vô hiệu? Các nhà thầu khác có được tự lập hồ sơ dự thầu mà không cần tuân thủ tiêu chí có hàm chứa sự cạnh tranh không bình đẳng ấy không?
Để đảm bảo hiệu quả, Luật Đấu thầu sửa đổi lẽ ra phải quy định nếu hồ sơ mời thầu đưa ra tiêu chí gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, tạo lợi thế rõ ràng cho một nhà thầu cụ thể thì sẽ mặc nhiên coi là vô hiệu. Các nhà thầu được tự lập hồ sơ dự thầu mà không cần tuân thủ yêu cầu có tính bất bình đẳng trong hồ sơ mời thầu (để đảm bảo kịp thời nộp hồ sơ dự thầu, không bị gián đoạn hay mất cơ hội). Nếu có tranh chấp, ý kiến khác nhau, hoạt động hậu kiểm sẽ chỉ ra bên nào vi phạm và phải gánh chịu trách nhiệm.
Tất cả những nội dung nêu trên đã được tôi nêu trong bài viết “Để đấu thầu thực sự là cạnh tranh, minh bạch” (Tạp chí Nhadautu.vn, https://nhadautu.vn/de-dau-thau-thuc-su-la-canh-tranh-minh-bach-d74841.html) để kiến nghị tới cơ quan chủ trì soạn thảo nhưng đáng tiếc là đã không được tiếp thu.
Hoàn thiện luật kết hợp xử lý vi phạm
Tại Điều 30, 31, 32, 33 Luật Đấu thầu năm 2023 đã quy định điều kiện áp dụng đối với từng phương thức lựa chọn nhà thầu (một giai đoạn một túi hồ sơ; một giai đoạn hai túi hồ sơ; hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai túi hồ sơ) nhằm hạn chế tình trạng chủ đầu tư lợi dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ để loại bỏ nhà thầu ngay trong bước đánh giá về kỹ thuật, đến bước đánh giá về tài chính thì chỉ còn lại duy nhất một nhà thầu. Tuy nhiên tiêu chí áp dụng còn quá chung chung, mang tính định tính, chẳng hạn tiêu chí “gói thầu phức tạp”, “kỹ thuật cao”, “đặc thù” sẽ rất khó áp dụng.
Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh khâu tổ chức thi hành pháp luật, gồm thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm. Ví dụ, Điều 222 Bộ luật hình sự hiện hành đã quy định chế tài với hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng nhưng thực tế xử lý theo tội danh này thời gian qua chưa nhiều, chưa đảm bảo tính răn đe. Nếu xử lý nghiêm khắc hơn, tạo ra một số tiền lệ, sẽ đảm bảo tính răn đe, giúp phát huy hiệu quả của hoạt động đấu thầu.
ThS Nguyễn Văn Đỉnh