Tôi xin thảo luận về chủ đề: ĐÍNH CHÍNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NHƯ THẾ NÀO? (Tôi yêu cầu anh chị em nếu có quan tâm, thảo luận thì không nêu, dẫn chiếu cụ thể 1 văn bản đính chính nào khi comment).

1. LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CÓ CHO PHÉP ĐÍNH CHÍNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG?

Câu trả lời: Không. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không hề quy định việc đính chính văn bản quy phạm pháp luật.

2. VẬY CÓ ĐƯỢC PHÉP ĐÍNH CHÍNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG?

Câu trả lời: Có. Quy định này nằm ở văn bản dưới luật. Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định việc đính chính văn bản đăng Công báo (Điều 94), đính chính văn bản niêm yết – đối với văn bản do chính quyền địa phương ban hành (Điều 100).

Vấn đề tiếp theo: Luật không quy định việc đính chính VBQPPL nhưng nghị định quy định chi tiết luật lại quy định điều đó thì có phải Nghị định 34 đang quy định rộng hơn luật, quy định vấn đề không được luật giao quyền (Nôm na là “nghị định chọi luật”)? Vì các lý do khác nhau, tôi xin không bàn luận về vấn đề này; việc này các GS, TS giảng dạy về Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Lý luận chung về nhà nước và pháp luật… sẽ phân tích sâu, chuẩn xác hơn tôi.

Về mặt thực tiễn, cá nhân tôi cho rằng việc cho phép đính chính VBQPPL là cần thiết. Lý do là bởi chất lượng xây dựng pháp luật hiện nay, chất lượng con người tham gia vào quy trình soạn thảo, thẩm tra/thẩm định, ban hành VBQPPL vẫn còn nhiều hạn chế nên sai sót là không tránh khỏi. Tuy nhiên việc đính chính VBQPPL phải hết sức hạn chế và chỉ áp dụng cho những sai sót “nhỏ” (tạm gọi là: lỗi đánh máy) nêu tại mục 3 dưới đây.

3. KHI NÀO THÌ ĐÍNH CHÍNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT?

Phạm vi áp dụng của hình thức đính chính văn bản quy phạm pháp luật chỉ áp dụng đối với sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày.

Tại Điều 130 Nghị định 34 quy định rõ: “Đính chính văn bản được thực hiện đối với văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày”.

Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ cho phép áp dụng hình thức đính chính VBQPPL với những sai sót nhỏ, liên quan đến thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản. Sai sót về mặt kỹ thuật thông thường là: lỗi đánh máy, soạn thảo, đánh nhầm số trang, số điều, khoản, điểm, sai cỡ chữ, kiểu chữ…

Tham khảo Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thể thức kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước:

“Thể thức văn bản” là cách thức trình bày các phần của văn bản gồm phần mở đầu, phần nội dung và phần kết thúc.

“Kỹ thuật trình bày văn bản” gồm kỹ thuật trình bày nội dung văn bản, kỹ thuật trình bày hình thức văn bản. Trong đó: “Kỹ thuật trình bày nội dung” gồm kỹ thuật trình bày bố cục của văn bản và kỹ thuật trình bày các yếu tố cấu thành nội dung văn bản, sử dụng ngôn ngữ, số, đơn vị đo lường, ký hiệu, công thức, thời hạn, thời điểm trong văn bản, kỹ thuật viện dẫn văn bản. “Kỹ thuật trình bày hình thức” gồm vị trí trình bày các thành phần thể thức văn bản, phông chữ, cỡ chữ, kiểu chữ, khổ giấy, định lề và đánh số trang văn bản.

Các quy định của Nghị quyết 351 cũng tương đồng với quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản tại Chương V Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Tựu trung lại, việc đính chính VBQPPL là hành động “xử lý khủng hoảng” để khắc phục “lỗi đánh máy” – sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày. Trái lại, việc đính chính VBQPPL KHÔNG ĐƯỢC PHÉP ÁP DỤNG nếu sự đính chính làm thay đổi về mặt nội dung VBQPPL, làm thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật. Việc áp dụng hình thức đính chính trường hợp này sẽ không phù hợp với pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chưa đảm bảo tính chặt chẽ trong công tác xây dựng pháp luật.

Trường hợp làm thay đổi về mặt nội dung VBQPPL thì phải áp dụng giải pháp triệt để là ban hành văn bản VBQPPL để sửa đổi, bổ sung.

4. ĐÍNH CHÍNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT THẾ NÀO?

Điều 130 Nghị định 34 quy định: “Cơ quan, người ban hành văn bản đính chính văn bản bằng văn bản hành chính”. Như vậy, việc đính chính VBQPPL được thực hiện bằng văn bản hành chính (công văn). Ví dụ: Đính chính nghị định sẽ bằng công văn của Chính phủ; đính chính quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ bằng công văn của Thủ tướng; đính chính thông tư sẽ bằng công văn của Bộ…

Như vậy, việc dùng công văn đính chính nghị định là phù hợp nhưng chỉ áp dụng với sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày như đã nêu ở mục 3.

Link bài viết trên Vietnamnet: https://vietnamnet.vn/truong-hop-nao-duoc-dinh-chinh-nghi-dinh-2166390.html

#DinhLaws