Vụ việc ồn ào liên quan đến “dự án quây núi đá vịnh Hạ Long làm hòn non bộ” một lần nữa dấy lên vấn đề đáng lo ngại: Tại sao mỗi khi có một dự án “có vấn đề” thì lỗi sai luôn là tại doanh nghiệp?
Bài đăng tạp chí Nhà Đầu tư: Lỗi sai luôn là tại doanh nghiệp?
Suốt tuần qua, dư luận ồn ào về dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả quây núi đá vịnh Hạ Long làm “hòn non bộ”. Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ: Xây dựng, VHTTDL, TNMT và UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, xử lý, báo cáo. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hỏa tốc đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo về quá trình thực hiện dự án và chỉ đạo các Sở ngành chuẩn bị làm việc với đoàn kiểm tra.
Bộ TNMT cũng đồng thời có văn bản đề nghị tỉnh Quảng Ninh xem xét hoạt động của dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là tác động tới cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và chất lượng môi trường biển vịnh Hạ Long; sự phù hợp, tính khả thi của các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường để bảo đảm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái rừng ngập mặn, tính đa dạng sinh học và chất lượng nước biển ven bờ…
Đáng chú ý là khi đoàn kiểm tra liên bộ còn chưa triển khai thì đại diện tỉnh Quảng Ninh đã… kết luận. Tại Hội nghị thông tin báo chí, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ninh khẳng định: về mặt pháp lý của dự án không có gì sai, từ chủ trương đầu tư cho đến thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, chỉ sai về quá trình thi công của chủ đầu tư.
Trước đó, Thanh tra Sở TNMT tỉnh cũng đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt chủ đầu tư tổng số tiền là 125 triệu đồng đối với 2 hành vi: không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường; không thực hiện nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Các động thái rất nhanh chóng (chỉ 2-3 ngày sau khi báo chí đưa tin) này cho thấy tỉnh Quảng Ninh dường như đã rất nhanh nhạy trong xử lý khủng hoảng truyền thông. Và lỗi sai trong trường hợp này cũng nhanh chóng được đẩy về phía doanh nghiệp.
Những ngày qua, tên của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án, người quản lý doanh nghiệp, các thành viên góp vốn… được dư luận đặc biệt quan tâm, kéo theo những đồn thổi. Điều đó khiến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc chấp thuận, cho phép triển khai dự án không được đặt ra.
Dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3787/QĐ-UBND ngày 29/10/2021. Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án.
Tại bước thẩm định để ban hành chấp thuận chủ trương đầu tư, các Sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh phải đánh giá về sự cần thiết thực hiện dự án; tính khả thi, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án; đánh giá sơ bộ tác động của dự án đối với môi trường; sự phù hợp của dự án với các loại quy hoạch: quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị…
Theo thông tin từ báo chí phản ánh, dự án Khu đô thị tại khu 10B có 3,88ha nằm trong vùng đệm (khu vực bảo vệ II) của di sản vịnh Hạ Long. Theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, di tích “danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long” được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Việc xem xét, thẩm định để đi đến quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép triển khai dự án có san lấp biển khu vực vịnh Hạ Long, bao gồm 3,88ha nằm trong khu vực bảo vệ II của di sản vịnh Hạ Long thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
Cần lưu ý rằng dự án Khu đô thị tại khu 10B triển khai theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư là điều kiện tiên quyết để tổ chức cuộc đấu giá. Về nguyên tắc, việc lập hồ sơ dự án, thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư là do cơ quan nhà nước thực hiện, chủ đầu tư không được tham gia.
Nếu dự án không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì sẽ không thể tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư. Như vậy trách nhiệm (nếu có) ở đây là của cơ quan nhà nước, nhà đầu tư chỉ tham gia khi nhận được thông báo mời. Trách nhiệm kiểm soát, tuân thủ pháp luật trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất/cho thuê đất… thuộc về cơ quan nhà nước.
Một vấn đề pháp lý được đặt ra là UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 3787 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án liệu có đúng thẩm quyền? Dự án có một phần diện tích (3,88ha) thuộc Khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt (Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long) và đối chiếu quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư, dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Vấn đề pháp lý nêu trên chưa được báo chí, dư luận khai thác, lỗi sai được đẩy về phía doanh nghiệp, trong đó có tình tiết “doanh nghiệp 40 ngày tuổi trúng đấu giá dự án nghìn tỷ”. Vậy doanh nghiệp mới thành lập đã tham gia và trúng đấu giá có vi phạm gì không?
Tại thời điểm cuộc đấu giá diễn ra (tháng 12/2021), điều kiện của tổ chức tham gia đấu giá được quy định tại Điều 38 Luật đấu giá tài sản, trong đó chỉ quy định điều kiện chung là phải nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và phải nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản.
Điều 38 Luật đấu giá tài sản cũng có quy định “dự phòng”: “Trong trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khi tham gia đấu giá thì người tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện đó”. Tuy nhiên, thời điểm này Luật Đất đai và các văn bản dưới luật lại không đặt ra quy định riêng với tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
Khoản 3 Điều 38 Luật đấu giá tài sản cũng quy định: “Ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá”. Do Luật đấu giá tài sản, Luật Đất đai và các văn bản dưới luật không nêu các điều kiện (ngoài việc phải nộp hồ sơ hợp lệ và tiền đặt trước) nên không có cơ sở để nêu thêm điều kiện năng lực với doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Chủ đầu tư dự án Khu đô thị tại khu 10B là công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên và có tư cách pháp nhân ngay tại thời điểm đăng ký thành lập và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo Điều 46 Luật Doanh nghiệp. Như vậy, việc doanh nghiệp mới thành lập 40 ngày tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và trúng đấu giá là phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm năm 2021.
Việc pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất không có cơ chế kiểm soát năng lực kỹ thuật, năng lực kinh nghiệm của doanh nghiệp tham gia đấu giá được coi là “kẽ hở” của hệ thống pháp luật (hiện đã được khắc phục sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP). Tuy nhiên về nguyên tắc thì ban hành pháp luật là thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước; còn người dân, doanh nghiệp được làm những điều mà luật không cấm.
Do vậy, tình tiết “doanh nghiệp 40 ngày tuổi trúng đấu giá dự án nghìn tỷ” được khai thác như một lý do đổ lỗi cho doanh nghiệp là chưa thỏa đáng. Chi tiết “dự án quây núi đá vịnh Hạ Long làm hòn non bộ” cũng tạo cảm giác doanh nghiệp có sai phạm mà chưa quan tâm đến việc chủ đầu tư thi công có đúng quy hoạch chi tiết được phê duyệt và hồ sơ mời đấu giá hay không (về nguyên tắc, quy hoạch do cơ quan nhà nước lập, phê duyệt; nhà đầu tư không được can thiệp).
Vụ việc ồn ào liên quan đến “dự án quây núi đá vịnh Hạ Long làm hòn non bộ” một lần nữa dấy lên vấn đề đáng lo ngại: Tại sao mỗi khi có một dự án “có vấn đề” thì lỗi sai luôn là tại doanh nghiệp?
ThS Nguyễn Văn Đỉnh