Việc lùi thời điểm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm đảm bảo nguyên tắc: “xây dựng luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng…”

Bài trên Tuần Việt Nam, báo Vietnamnet: Cái được khi Quốc hội hoãn thông qua Luật Đất đai

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã chính thức khép lại với một chút “trống vắng” khi nội dung quan trọng, được chờ đợi nhiều nhất là biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đã không diễn ra.

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã chính thức khép lại với một chút “trống vắng” khi nội dung quan trọng, được chờ đợi nhiều nhất là biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đã không diễn ra.

“Kỷ lục” lập pháp

Như vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) sớm nhất sẽ phải chờ đến kỳ họp sau mới được thông qua và không loại trừ khả năng đó sẽ là một kỳ họp bất thường để thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật các Tổ chức tín dụng, như thông tin chia sẻ trong buổi họp báo do Văn phòng Quốc hội tổ chức vào sáng 29/11.

Việc thông qua một đạo luật ở kỳ họp chuyên đề cũng đã từng có tiền lệ, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách. Chẳng hạn như tại kỳ họp bất thường tháng 01/2022, Quốc hội đã thông qua luật số 03 sửa đổi, bổ sung 9 luật về đầu tư, kinh doanh để tháo gỡ vướng mắc về khung khổ pháp lý, thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19.

Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả các cơ quan quản lý trông đợi từng ngày để tháo gỡ những vướng mắc trong thi hành Luật Đất đai năm 2013, giúp khơi thông được nguồn lực đất đai. Do vậy, một kỳ họp chuyên đề để rà soát, chỉnh lý thấu đáo dự thảo trước khi biểu quyết thông qua là hết sức cần thiết.

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua ở ít nhất 4 kỳ họp – một “kỷ lục” về độ bền bỉ trong công tác lập pháp. Cần nhấn mạnh rằng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về quy trình làm luật thông qua 4 kỳ họp (chỉ có quy trình tại 1 kỳ họp, 2 kỳ họp hoặc tối đa 3 kỳ họp).

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải vận dụng quy định tại Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (quy định “Trong trường hợp dự thảo luật chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần thì Quốc hội xem xét, quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội”) để trình Quốc hội biểu quyết cho lùi thông qua dự án luật nhằm tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm chất lượng tốt nhất.

Cũng phải lưu ý rằng số đạo luật được xem xét thông qua tại 3 kỳ họp (như dự kiến ban đầu với Luật Đất đai) từ trước tới nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, và ngay cả Hiến pháp năm 2013 cũng “chỉ” được xem xét thông qua tại 3 kỳ họp. Hơn nữa, trước khi trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ra Quốc hội lần đầu vào tháng 10/2022 thì Chính phủ đã phải xin lùi tới 3 lần. Những chi tiết đó đủ thấy độ khó của Luật Đất đai và sự thận trọng mà các cấp có thẩm quyền đặt ra khi xây dựng đạo luật “độc nhất vô nhị” này.

Chọn vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh…

Ngay từ đầu nhiệm kỳ của Đảng, Quốc hội và Chính phủ khóa mới, công tác lập pháp đã được đặc biệt ưu tiên. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vào đầu năm 2021 đã tiếp tục nhấn mạnh “ba đột phá chiến lược”mà đột phá đầu tiên, quan trọng nhất là:“Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính…”; “Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế”.

Tại Kết luận số 19 ngày 14/10/2021 về định hướng chương trình xây dựng pháp luật, Bộ Chính trị đã đề ra yêu cầu: “Xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm.”

Tinh thần ấy tiếp tục tái hiện tại Nghị quyết số 27 ngày 09/11/2022 của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: “Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm…”

Đi từ chủ trương ấy, việc hoãn thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là dễ hiểu và là việc đương nhiên phải làm. Tại đợt 1 kỳ họp Quốc hội, dự thảo luật vẫn còn 34 điều luật thiết kế 2-3 phương án, trong đó Báo cáo số 678 ngày 02/11 của Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến đại biểu đối với 26 nội dung lớn, gồm 22 nội dung có 2-3 phương án.

Sau đợt 1 kỳ họp, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý nhưng vẫn còn 14 vấn đề có 2 phương án. Kết quả phiên họp ngày 16/11 của UBTVQH mang đến một số tiến triển nhưng vẫn còn một số nội dung lớn chưa thiết kế được phương án tối ưu hoặc chưa đủ căn cứ để chọn phương án tốt nhất.

Ngoài ra, dự thảo còn tồn tại một nhóm vấn đề hệ trọng, then chốt cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền do chưa được quy định trong Nghị quyết số 18 của Đảng về hoàn thiện chính sách đất đai, hoặc có thay đổi/cần làm rõ so với Nghị quyết 18. Do vậy, cần báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi thể chế hóa trong luật.

Một vấn đề lớn rất được kỳ vọng là về quyền sử dụng đất của kiều bào ở nước ngoài. Đa số đại biểu Quốc hội thống nhất phương án 1: người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước. Quy định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối từ hàng triệu kiều bào để phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, do Nghị quyết 18 không đề cập nội dung này nên cần báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Hay vấn đề tiếp theo lànếu người có đất dự kiến bị thu hồichưa được phê duyệt phương án bồi thường, chưa được tái định cư nhưng đã tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư thì Nhà nước có được phép thu hồi đất không? Các cơ quan đều thống nhất phương án cho phép thu hồi đất trường hợp này để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng nhưng do Nghị quyết 18 quy định rõ “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước…” nên cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Một vấn đề lớn khác là các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại. Chính phủ đề xuất theo hướng bãi bỏ yêu cầu về loại đất mà nhà đầu tư đang có hoặc nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án nhà ở thương mại (nhà đầu tư chỉ có đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh… thì cũng được chuyển mục đích làm nhà ở thương mại nếu phù hợp quy hoạch) nhưng UBTVQH đề xuất bảo toàn quy định hiện hành: Nhà đầu tư phải có một phần đất ở.

Ngoài ra, Nghị quyết 18 vừa cho phép thực hiện cơ chếtự thỏa thuậngiữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại; vừa yêu cầu giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá, đấu thầunên cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền để thống nhất phương án cuối cùng.

Sự thận trọng cần thiết

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều luật khác… Chưa có điều kiện rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần có quy định chuyển tiếp cũng như nội dung khác của các luật có liên quan…”

Điều hành thảo luận về dự thảo luật tại nghị trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nêu rõ quan điểm: “Chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Một sơ suất, một điều khoản của luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với kinh tế – xã hội, đời sống của Nhân dân, thậm chí kìm hãm sự phát triển…

Trên tinh thần ấy, việc hoãn thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ kéo dài các vướng mắc trong thực thi chính sách đất đai, các dự án đầu tư thêm một thời gian ngắn nhưng là sự thận trọng cần thiết để tránh một nguy cơ lớn hơn, khi luật vừa ban hành đã lập tức phát sinh bất cập, đòi hỏi phải tiếp tục sửa.

ThS Nguyễn Văn Đỉnh