Cần thúc đẩy nhà ở xã hội để “ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường”.
Bài trên Nhà Đầu tư: Vụ cháy ‘chung cư mini’ và những khuyết tật của kinh tế thị trường (nhadautu.vn)
Trong nhiều văn kiện, Đảng đề ra chính sách “ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường”. Vụ cháy “chung cư mini” thương tâm tại Hà Nội một lần nữa chỉ ra thực trạng chỗ ở của người lao động, các gia đình nhập cư tại các thành phố lớn trong quá trình đô thị hóa nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm, nhu cầu mưu sinh; đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cấp thiết của việc xây dựng, thực thi chính sách nhà ở cho Nhân dân.
Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nội dung này đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 và trong nhiều văn kiện của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu: “Cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: … giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; … giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.”
Tính chất kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, bao gồm cả thị trường bất động sản. Tính chất “định hướng xã hội chủ nghĩa” thể hiện ở những giải pháp của Nhà nước để điều tiết thị trường, khắc phục tình trạng “lệch pha cung cầu” (dư thừa sản phẩm thương mại cao cấp, sản phẩm để đầu tư, mà thiếu hụt sản phẩm nhà ở giá rẻ phục vụ nhu cầu thực). Nhà nước bởi vậy cần thiết kế chính sách để bảo vệ nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội cũng có điều kiện tiếp cận các sản phẩm nhà ở phù hợp.
Luật Nhà ở đã quy định cụ thể, rạch ròi hai loại hình nhà ở chủ yếu, gồm nhà ở thương mạilànhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường và nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở.
Như vậy, nhà ở thương mại được quyết định bởi thị trường và tuân theo các quy luật thị trường. Giá nhà ở thương mại hoàn toàn do thị trường quyết định, chủ đầu tư được quyết định bán nhà cho ai và với giá bao nhiêu. Ngược lại, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước và thường không chi phối bởi quy luật thị trường.
Cần có loại hình nhà ở này là bởi Nhà nước cần phải có chính sách “ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII). Thực tế trong xã hội luôn tồn tại các đối tượng không đủ khả năng mua, thuê nhà ở thương mại ngay cả ở phân khúc giá rẻ nhất và bởi vậy, đối tượng này cần được hỗ trợ.
Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã được đặt ra từ khoảng 15 năm trước nhưng thực tế triển khai là hết sức nhỏ giọt. Một báo cáo của Bộ Xây dựng gần đây chỉ ra rằng tính đến đầu năm 2023, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội, cung cấp khoảng 157.000 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích 7.950.000m2. Con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhóm người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân, người lao động.
Trong khi đó việc quản lý, sử dụng đất vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự phát huy vai trò nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước như đã được Đảng thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Điển hình là tình trạng sử dụng lãng phí, để hoang hóa đất đai.
Về đất nông nghiệp, phổ biến thời gian qua là tình trạng bỏ hoang đồng rộng. Người nông dân bỏ ruộng, vào nhà máy làm công nhân hoặc lên thành phố mưu sinh. Chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp chưa theo kịp xu hướng phát triển chung là tập trung, tích tụ đất đai, tiến tới chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với dự án đầu tư, mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Trong số những nạn nhân của vụ cháy thương tâm vừa qua có những người đã bỏ đồng ruộng để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn (hoặc đỡ tệ hơn) nơi đô thị.
Việc quản lý, sử dụng đất phi nông nghiệp cũng chưa thực sự hiệu quả. Tại khắp các địa phương thời gian qua, không hiếm gặp hiện tượng “quây tôn” các khu đất vàng để găm giữ trong nhiều năm, chờ có đối tác để bán kiếm lời. Trong khi đó, đời sống người dân lại thiếu thốn đủ điều: thiếu trường công, thiếu cơ sở y tế công lập, và tất nhiên – thiếu nhà ở xã hội phù hợp mức sống, khả năng chi trả. Hiện tượng ấy tạo nên bức tranh tương phản xã hội sâu sắc tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn trong cả nước.
Nhìn từ vụ cháy thương tâm vừa qua, không khó để tìm ra đối tượng để quy trách nhiệm: người chủ xây dựng tòa nhà vì lòng tham đã xây sai giấy phép, kinh doanh trái phép mà tạo ra một tòa “chung cư mini” với khoảng 150 con người sinh sống “núp bóng” dưới hình thức nhà ở riêng lẻ; chính quyền cơ sở, những cán bộ, công chức đã buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trật tự xây dựng…
Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, câu hỏi khác lại được đặt ra: Nếu không có những tòa “chung cư mini”, những căn nhà trọ xây dựng tự phát khắp các hang cùng, ngõ hẻm… thì người lao động biết tìm chỗ ở ở đâu giữa nơi phồn hoa đô thị? Lòng tham của người chủ tòa “chung cư mini” xây sai phép ấy liệu có thể được thỏa mãn nếu chính sách nhà ở xã hội thực sự phát huy hiệu quả?
“Chung cư mini” là loại hình nhà ở tiềm ẩn nhiều nguy hiểm mà người sử dụng không khó nhận ra; sở dĩ thứ nguy hiểm ấy có thể tồn tại, phát triển được là bởi phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng chi trả của người thu nhập thấp. “Người có” và “người cần” đơn giản là đã gặp được nhau; lòng tham của người chủ nhà, sự thiếu trách nhiệm của các nhà quản lý để xảy ra sai phạm về trật tự xây dựng hay sự xuất hiện của những người môi giới với những quảng cáo sai sự thật chỉ là chất xúc tác để khiến phân khúc này thêm “hot”.
Như vậy, “chung cư mini” tồn tại được là bởi phù hợp với sự vận động của kinh tế thị trường và là một dạng thức “khuyết tật của cơ chế thị trường” mà Đảng đã sáng suốt chỉ ra từ sớm, đã thể chế hóa thành pháp luật nhưng khâu triển khai lại kém hiệu quả bởi sự thiếu quyết liệt của chính quyền cấp cơ sở.
Công cụ quy hoạch, cấp phép, chủ trương đầu tư liệu đã phát huy hiệu quả hay chưa khi chính quyền địa phương vẫn cấp phép tràn lan các dự án thương mại, các dự án đất nền để chủ yếu thỏa mãn giới đầu tư (hay đầu cơ?) thay vì quy hoạch, tạo lập quỹ đất sạch cho các dự án nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu thực và ngày càng bức thiết hơn?
Các công cụ quy hoạch, điều tiết nền kinh tế đã hiệu quả chưa khi chưa tạo ra cơ hội việc làm cho người dân tại nông thôn, dẫn đến việc họ phải tha hương, vất vưởng nơi đô thị? Điển hình như tại Hà Nội, quy hoạch chung xây dựng thủ đô từ năm 2011 đã vạch ra đường hướng phát triển theo mô hình chùm đô thị với 5 đô thị vệ tinh, giảm áp lực cho khu vực trung tâm, khu vực nội đô, nội đô lịch sử nhưng kết quả triển khai là hết sức chậm chạp. Những đô thị mới như Phú Xuyên, Xuân Mai… vẫn chỉ nằm trong các đồ án quy hoạch.
Việc di dời trụ sở cơ quan, trường đại học, bệnh viện công, khu sản xuất công nghiệp… ra khỏi trung tâm đô thị đã được vạch ra từ hơn chục năm trước nhưng triển khai chậm chạp một cách khó hiểu. Mới đây, Ban Bí thư phải có Chỉ thị số 23-CT/TW, yêu cầu phải thực hiện nghiêm lộ trình di dời.
Trước đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu: Tiếp tục thực hiện lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; sử dụng có hiệu quả quỹ đất sau di dời để ưu tiên xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.
Chúng ta buồn, phẫn nộ sau vụ cháy thương tâm và yêu cầu nghiêm trị những cá nhân có sai phạm. Nhưng giải pháp căn cơ để ngăn chặn các “nhà hộp diêm”, các khu trọ xập xệ phải đến từ một chiến lược tổng thể, vĩ mô từ xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật.
Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) cần xác định, quán triệt trách nhiệm chủ trì thực hiện chính sách nhà ở xã hội để đảm bảo an sinh xã hội là của Nhà nước (thay vì giao trách nhiệm đó cho chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại như hiện nay). Chính quyền địa phương căn cứ nhu cầu thực tế phải chủ động bố trí quỹ đất nhà ở xã hội, chi ngân sách để bồi thường, tạo lập quỹ đất sạch, đầu tư xây dựng hạ tầng và mời gọi doanh nghiệp chung tay phát triển nhà ở xã hội.
Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng cần kiên quyết từ bỏ mô hình “chung cư mini” đã tồn tại từ Nghị định số 71/2010/NĐ-CP và Luật Nhà ở năm 2014. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến thông qua vào tháng 11/2023 tiếp tục đề xuất hợp pháp hóa “chung cư mini” dưới tên gọi “nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của hộ gia đình, cá nhân” sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy.
Không thể luật hóa loại hình chung cư núp bóng nhà riêng lẻ, trái lại cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, không công nhận giao dịch mua bán căn hộ chung cư mini, kiên quyết không cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ chung cư mini để không làm bùng phát loại hình này, tránh nguy cơ mất an toàn và quá tải hệ thống hạ tầng đô thị. Người nào có đất, muốn xây chung cư để bán thì phải thành lập doanh nghiệp BĐS và thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai…
Việc di dời trụ sở cơ quan, trường đại học, bệnh viện, khu sản xuất… ra khỏi trung tâm đô thị cũng cần phải được đẩy nhanh và triển khai một cách thực chất để tránh tập trung quá đông người lao động tại vùng lõi đô thị, đồng thời kích thích tăng trưởng cho các đô thị vệ tinh.
Quan trọng hơn hết là sử dụng hợp lý các công cụ quy hoạch, điều tiết nền kinh tế, các dự án đầu tư công hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với cơ hội việc làm tại khu vực nông thôn, tránh tình trạng di dân tự phát đến thành phố, giúp giảm mật độ dân cư và từ đó giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo thực hiện tốt an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
ThS Nguyễn Văn Đỉnh