Nghị định số 35/2022/NĐ-CP vừa mới ban hành đã đề ra nhiều quy định mới mang tính cải cách, đột phát nhằm quản lý, phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế. Nhưng dưới hình thức một Nghị định của Chính phủ là văn bản dưới luật, sự cải cách dường như chưa triệt để và thậm chí còn xung đột với luật (vốn chưa kịp điều chỉnh theo).
Nghị định số 35/2022/NĐ-CP (Nghị định 35) về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế vừa mới ban hành, thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (Nghị định 82) và có hiệu lực từ ngày 15/7/2022. Nghị định 35 đã giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
“Giảm tải” để cải cách
Điển hình là trong vấn đề quy hoạch xây dựng khu công nghiệp (KCN), Điều 7 Nghị định 35 phân cấp cho UBND cấp tỉnh chủ động điều chỉnh địa điểm, diện tích lập quy hoạch xây dựng KCN nếu không thay đổi địa bàn cấp huyện và diện tích điều chỉnh không quá 2% và không quá 6ha. Và nếu diện tích điều chỉnh không quá 10% và không quá 30ha thì UBND cấp tỉnh cũng được tự điều chỉnh sau khi xin ý kiến các Bộ: Xây dựng, TNMT, KHĐT mà không cần trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Quy định mới này đã tháo gỡ “điểm nghẽn” của các KCN hiện nay là do các KCN quy mô rất lớn, thực tế triển khai thường bị vướng mắc ở khâu GPMB. Để tháo gỡ thì cần phải điều chỉnh, “nắn” ranh giới KCN, việc này dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch KCN mà theo Nghị định 82 thì đều phải “đẩy việc” lên Thủ tướng Chính phủ.
Điều 7 Nghị định 35 còn quy định các trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch: Lập quy hoạch phân khu (QHPK) xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch chung (QHC) xây dựng hoặc QHC xây dựng khu kinh tế; Lập quy hoạch chi tiết (QHCT) xây dựng KCN tại khu vực đã có QHPK xây dựng; KCN, KCN – đô thị – dịch vụ đã được xác định trong QHC đô thị hoặc QHC xây dựng khu kinh tế. Quy định mới này giúp công tác lập quy hoạch đi vào thực chất bởi ở 3 trường hợp nêu trên, việc lập nhiệm vụ quy hoạch là thừa thãi và mang nặng hình thức (do “hình hài” của quy hoạch đã được xác định tại quy hoạch cấp cao hơn).
Mặc dù vậy, như đã nêu tại phần đầu bài viết, các quy định mới đột phá của Nghị định 35 ban hành dưới hình thức một văn bản dưới luật là chưa triệt để trong bối cảnh Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) chưa kịp điều chỉnh theo (cần nhấn mạnh rằng công tác lập quy hoạch xây dựng phải thực hiện thống nhất theo Luật Xây dựng, nếu có mâu thuẫn với Luật Xây dựng thì quy định đó sẽ vô hiệu).
Việc Nghị định 35 cho phép “giảm tải” khâu lập nhiệm vụ quy hoạch KCN trong một số trường hợp phải chăng đã xung đột với Điều 20 Luật Xây dựng quy định trình tự lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng gồm: 1. Lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng; 2. Điều tra, khảo sát thực địa; thu thập bản đồ, tài liệu, số liệu…; 3. Lập đồ án quy hoạch xây dựng; 4. Thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng. Như vậy, Luật Xây dựng không quy định trường hợp nào được “giảm tải” khâu lập nhiệm vụ quy hoạch. Nghị định 35 cho phép “giảm tải” là quy định rộng hơn Luật Xây dựng.
Giao quyền có trái luật?
Cũng tại Điều 7 Nghị định 35 còn quy định UBND cấp tỉnh giao nhà đầu tư đã được lựa chọn thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN tổ chức lập QHPK xây dựng KCN (nếu cần) tại khu vực đã có QHC xây dựng KCN.
Quy định này phù hợp với thực tiễn bởi nếu nhà đầu tư dự án hạ tầng KCN đã được lựa chọn mà QHPK xây dựng KCN vẫn do Nhà nước chủ trì lập sẽ bất cập ở cả 2 khía cạnh: Nhà nước lãng phí tiền ngân sách để lập QHPK, trong khi nhà đầu tư lãng phí thời gian (do khâu giải ngân vốn đầu tư công để lập quy hoạch) và không được chủ động lập quy hoạch theo phương án mong muốn.
Tuy nhiên, việc giao quyền cho nhà đầu tư dự án hạ tầng KCN tổ chức lập QHPK lại mâu thuẫn với quy định “UBND cấp tỉnh tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án QHC xây dựng khu chức năng và nhiệm vụ, đồ án QHPK xây dựng khu chức năng…” tại khoản 2 Điều 24 Luật Xây dựng (khu công nghiệp là một trong các loại hình khu chức năng). Luật Xây dựng quy định trách nhiệm tổ chức lập QHPK xây dựng khu chức năng, gồm KCN, là của UBND cấp tỉnh. Vậy UBND cấp tỉnh có được giao quyền cho doanh nghiệp làm thay mình?
Sửa luật để cải cách
Người viết đã chỉ ra 2 ví dụ tiêu biểu về việc các quy định đột phá của Nghị định 35 mâu thuẫn với Luật Xây dựng. Theo nguyên tắc tại khoản 2 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015:“Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.
Do Luật Xây dựng có hiệu lực cao hơn Nghị định 35 nên trong trường hợp xung đột nêu trên, quy định (cũ) của Luật Xây dựng được ưu tiên áp dụng.
Như vậy, những điểm mới cải cách của Nghị định 35 được xây dựng trên nền tảng cũ là Luật Xây dựng, vốn chưa theo kịp. Bởi vậy để sự cải cách trở nên triệt để, cần sửa đổi Luật Xây dựng cho thống nhất, đồng bộ.
Người viết cho rằng quy định mới của Nghị định 35 có ý nghĩa vạch ra định hướng để sửa đổi Luật Xây dựng nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Hơn nữa, Nghị định 35 cũng giống như Nghị định 82 trước đây có bản chất là một “Nghị định không đầu” (được ban hành không phải để quy định các vấn đề cụ thể được giao trong luật). Để kiến tạo khung khổ pháp lý vững chắc phát triển khu công nghiệp, cần sớm ban hành Luật Phát triển công nghiệp (hiện Chính phủ đang nghiên cứu và giao Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo).
NGUYỄN VĂN ĐỈNH – Tháng 6/2022